NGÀY XUÂN MARGARET - CHƯƠNG 1

 


Chương 1 (Flashback - Hồi ức)

Lần đầu tiên Hứa Tri Nhã gặp Trình Liệt là vào mùa hè chín năm trước. Cũng là một ngày thời tiết thế này, mưa rơi xối xả, nước mưa cuồn cuộn trút xuống, cống thoát nước tắc nghẽn, những đóa hoa nhài đang nở rộ trong tiểu khu cũng tả tơi rơi rụng đầy đất.

Năm ấy cô mười bảy tuổi, chuẩn bị lên lớp mười hai.

Vợ chồng Hứa thị không hài lòng với thành tích ngày càng sa sút của cô. Hai người bàn bạc quyết định tận dụng kỳ nghỉ hè giữa lớp mười một và mười hai để tìm gia sư bổ túc cho Hứa Tri Nhã, hy vọng cô có thể lấy lại phong độ xưa, cố gắng một phen, thi đỗ vào Đại học Tùy Thành.

Trên bàn cơm tối, Vu Diễm Mai chuẩn bị ba món mặn một món canh: sườn heo kho tàu, khổ qua xào trứng, ớt xanh xào thịt, canh rong biển trứng.

Vu Diễm Mai nói: “Sườn phải ăn hai miếng, canh nhất định phải uống hết một bát, hai món rau xào không được ăn ít hơn ba thìa.”

Hứa Tri Nhã không nói gì, dường như đã sớm quen với những quy định bất thành văn này.

Đồ ăn vừa đưa vào miệng, giọng nói cứng rắn của Vu Diễm Mai lại vang lên: “Bố mẹ tìm cho con một gia sư rồi, là sinh viên Đại học Tùy Thành. Đã hỏi thăm kỹ càng, cậu sinh viên đó sắp lên năm hai, đã làm gia sư nhiều rồi, rất có kinh nghiệm với bài vở cấp ba. Chiều mai một giờ cậu ấy sẽ qua, thời gian học là từ một giờ đến bốn giờ, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần.”

Hứa Chí Tiêu mím môi, giọng không lạnh lùng cứng rắn như Vu Diễm Mai, nhưng cũng phụ họa theo: “Hồi cấp hai thành tích của con luôn rất tốt, bây giờ cũng nên cố gắng một chút, đừng hủy hoại tiền đồ. Bố và… và mẹ con đều là muốn tốt cho con.”

Sắc mặt Hứa Tri Nhã không chút gợn sóng, chỉ khẽ “Vâng” một tiếng không nặng không nhẹ, tỏ vẻ thuận theo.

Hứa Chí Tiêu nhìn cô hai giây, có lời muốn nói lại nghẹn nơi cổ họng, cuối cùng vẫn không thốt ra được.

Bữa cơm này cũng như mọi khi, chỉ có tiếng đũa chạm vào bát đĩa, không ai nói thêm lời nào. Bên cạnh, bể cá hình chữ nhật sủi bọt dưỡng khí, đám rong giả uốn éo một cách đều đặn, mấy con cá cảnh chìm dưới đáy bể, đôi mắt vô hồn nhìn chằm chằm vào họ.

Yên tĩnh, ngột ngạt, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.

Sau bữa tối, Hứa Chí Tiêu ngồi ở phòng khách xem chương trình Thời sự đúng bảy giờ, Vu Diễm Mai rửa bát xong thì hâm nóng một ly sữa cho Hứa Tri Nhã.

Lúc bà bưng vào phòng, cô đang ngồi ở bàn học làm bài tập nghỉ hè. Chiếc cốc sữa thủy tinh va vào mặt bàn kính, dưới ánh đèn đêm nghe thật cứng nhắc, không cho phép từ chối.

Vu Diễm Mai nói: “Mười giờ, tắt đèn đi ngủ.”

Hứa Tri Nhã khoanh tròn đáp án đúng trong bài đọc tiếng Anh, cô vẫn luôn cúi đầu, đáp lại bằng một tiếng “Vâng” quen thuộc.

Cánh cửa phòng đóng lại, ngăn cách giọng nói trong trẻo, tròn vành rõ chữ của người dẫn chương trình thời sự ngoài phòng khách.

Cửa sổ bàn học hé mở, lớp lưới chắn muỗi sạch sẽ không một hạt bụi. Tầng bảy, ở thành phố nhỏ không mấy phát triển này cũng được xem là tầng cao. Những ô cửa sổ ở tòa nhà đối diện đã sáng đèn, loáng thoáng còn nghe thấy tiếng các ông các bà dưới lầu chào hỏi nhau rôm rả sau bữa cơm tối.

Hứa Tri Nhã làm xong câu trắc nghiệm đọc hiểu cuối cùng thì bên ngoài bỗng nổi lên tiếng mưa, dồn dập và bất ngờ. Nước mưa từ ngoài cửa sổ tạt vào, cô buông bút, đứng dậy đóng cửa sổ.

Những giọt mưa lành lạnh rơi trên cánh tay, không khí trong lành mát mẻ ập vào mặt, cái oi bức của ngày hè như bị xóa tan trong phút chốc.

Cô đóng cửa kính lại, hai tay chống lên bàn học, nhìn ra ngoài một lúc.

Cuối cùng, ánh mắt dừng lại trên ly sữa đặt trên bàn, đã nguội ngắt, phía trên kết một lớp váng mỏng.

Cô đổ ly sữa vào chậu cây lưỡi hổ trên bệ cửa sổ. Đây là chậu cây cô mới mua cách đây không lâu, lá cây xanh mướt, căng mọng.

Hứa Tri Nhã cầm chiếc cốc thủy tinh rỗng ra khỏi phòng. Chương trình Thời sự đã kết thúc. Cô đi vào bếp rửa sạch chiếc cốc.

Rửa cốc xong, cô đi đến chỗ huyền quan, lấy ô, nói với Hứa Chí Tiêu: “Con xuống cửa hàng tiện lợi dưới lầu một lát.”

Hứa Chí Tiêu “Ờ” một tiếng, hỏi: “Mua gì thế? Ngoài trời đang mưa đấy.”

“Mua ít giấy với bút ạ.”

“Được, vậy đi nhanh rồi lên, cẩn thận đường trơn.”

“Vâng, con biết rồi.”

Hứa Tri Nhã không đi thang máy mà đi cầu thang bộ xuống. Khoang cầu thang trống rỗng chỉ có tiếng bước chân của một mình cô vang vọng. Đèn cảm ứng từng tầng một sáng lên. Chiếc ô cán dài chống xuống bậc thang. Một tầng có mười ba bậc, bảy tầng là chín mươi mốt bậc.

Đây là một khu chung cư đã có chút tuổi đời, nghe nói là một trong những khu tái định cư thuộc đợt giải tỏa đền bù sớm nhất ở Lư Châu. Hứa Chí Tiêu và Vu Diễm Mai trước kia chính là dựa vào tiền đền bù giải tỏa mà phất lên một khoản kha khá, về kinh tế thì hiện tại không có áp lực gì.

Ngay bên ngoài tiểu khu có trạm xe buýt, năm tuyến xe đều đi qua đây. Ven đường là vài cửa hàng nhỏ, đóng rồi lại mở, mở rồi lại đóng, chỉ có cửa hàng tiện lợi này là trụ vững không đổi.

Cửa hàng rất nhỏ, không đủ chỗ cho cô nán lại lâu.

Cô lấy hai tập giấy kẻ ô ly sọc đỏ và một cây bút mực nước màu đen. Đi ngang qua tủ đông, tiện tay chọn thêm một lon Coca không đường dạng lon cao.

Tính tiền ở quầy thu ngân xong, Hứa Tri Nhã đứng dưới mái hiên của cửa hàng tiện lợi, kéo khoen lon nước ngọt. Dòng Coca lạnh buốt chảy qua cổ họng, cả người khoan khoái.

Mưa càng lúc càng lớn, người đi đường vội vã rảo bước.

Bên cạnh cửa hàng tiện lợi mới mở một tiệm hoa. Chậu cây lưỡi hổ kia của cô chính là mua ở đây.

Bà chủ còn rất trẻ, cũng chỉ ngoài ba mươi. Điều khiến Hứa Tri Nhã ấn tượng sâu sắc là, bà chủ bị khuyết tật, mất cẳng chân phải.

Đội mưa, bà chủ chống nạng, trông khá ngượng ngùng khi đón tiếp mấy người thợ đang vận chuyển hoa cỏ, chậu cây. Người ra người vào, mấy người thợ khuân vác với tốc độ rất nhanh.

Bà chủ nói: “Sao tự nhiên lại mưa thế này, thật làm phiền các anh quá!”

Người đàn ông trạc bốn mươi cười sang sảng: “Nói đâu xa vậy, làm ăn buôn bán mà, có qua có lại, đều là người quen cũ cả, chuyện nên làm thôi. Này, Trình Liệt! A Liệt! Lan quân tử với Thường Thanh Đằng mỗi loại mười lăm chậu, đừng đếm nhầm đấy, còn dư thì phải mang sang bên Thành Tây nữa.”

“Đếm đủ rồi, không thiếu.” Giọng nói trẻ trung vọng ra từ tiệm hoa.

Hứa Tri Nhã liếc nhìn sang bên đó vài lần, cô chỉ thấy bóng một người cao thẳng đứng ở cửa tiệm hoa, ngược sáng, trông mơ hồ.

Cô thu hồi tầm mắt, uống nốt ngụm nước ngọt cuối cùng, bóp bẹp lon nước, nhắm thùng rác cách đó mấy mét ném mạnh tới. Chuẩn xác không lệch, rơi gọn vào trong.

Mở ô, xách giấy bút bước trở lại vào màn mưa. Thành phố ồn ào náo nhiệt lại đậm tình người này dường như sắp chẳng còn liên quan gì đến cô nữa.

…..

Ngày hôm sau là Chủ Nhật, theo lệ thường, buổi chiều Hứa Chí Tiêu về nhà máy làm việc sẽ tiện đường chở Vu Diễm Mai đi một đoạn.

Hứa Chí Tiêu là chủ nhiệm phân xưởng sản xuất của một công ty bánh quy thực phẩm. Từ thứ Hai đến thứ Sáu ông đều ở ký túc xá nhà máy, có khi tối thứ Sáu về, có khi sáng thứ Bảy về, nhưng chiều Chủ Nhật nhất định phải lái xe về nhà máy.

Nơi họ ở thuộc khu Nam thành phố Lư Châu, còn nhà máy lại ở phía Tây thành phố, cũng khá xa.

Vu Diễm Mai đã không đi làm bảy tám năm nay, xem như bà nội trợ toàn thời gian. Bà đăng ký cho mình rất nhiều khóa học, tham gia vài buổi tọa đàm self-help có trả phí, và theo học các lớp dạy nấu ăn không ngừng nghỉ.

Chiều nay, lẽ ra Vu Diễm Mai sẽ ngồi xe Hứa Chí Tiêu đi học lớp nấu ăn, nhưng vì gia sư đã mời cho Hứa Tri Nhã sắp đến nên Vu Diễm Mai không đi nữa.

Cửa phòng ngủ của Hứa Tri Nhã hé mở, quạt điện từ từ thổi gió, cô ngồi ở bàn học đọc một cuốn sách giải trí.

12 giờ 50 phút, Hứa Chí Tiêu chuẩn bị đi. Khoảnh khắc mở cửa vừa lúc gặp người gia sư đang định nhấn chuông. Hứa Chí Tiêu vốn là người niềm nở, vội đón gia sư vào nhà, khách sáo vài câu rồi cầm chìa khóa xe đi trước.

Hứa Tri Nhã nghe thấy tiếng động, xuất phát từ phép lịch sự, cô đặt cuốn sách trên tay xuống, đi ra khỏi phòng ngủ để đón vị “thầy giáo” này.

Là một cậu thanh niên, tay cầm chiếc ô ca rô xanh lam, ô vẫn còn nhỏ nước. Vu Diễm Mai đưa cho một cái túi ni lông, anh bọc lại cẩn thận rồi đặt lên trên tủ giày.

Khác với tưởng tượng của Hứa Tri Nhã, bất kể là nam hay nữ, cô đều cho rằng đó sẽ là một vị gia sư lịch thiệp, nho nhã, nhưng người trước mắt lại mang phong cách hoàn toàn trái ngược.

Người thanh niên đứng trước mặt Vu Diễm Mai, cao hơn bà khoảng một cái đầu rưỡi.

Anh mặc áo sơ mi trắng tay ngắn, bên trong là một chiếc áo thun trắng có họa tiết chữ cái, áo sơ mi để mở cúc, chiếc quần dài đen thẳng thớm ẩn hiện đường cong đôi chân cao ráo, rắn chắc.

Có lẽ do mưa to bên ngoài, mái tóc đen cắt ngắn của anh còn vương vài giọt nước, chảy qua thái dương, men theo gương mặt góc cạnh rõ ràng mà trượt xuống.

Trên sống mũi cao thẳng của anh là cặp kính gọng bạc. Theo lý mà nói, người đeo kính sẽ có vẻ thư sinh hơn, nhưng anh thì không.

Cặp mắt đen láy dưới tròng kính mang theo hơi thở của mùa đông giá lạnh, tuấn tú mà băng giá.

Trẻ trung, vững vàng, ẩn chứa sức mạnh.

Đó là ấn tượng đầu tiên của Hứa Tri Nhã về anh.

Vu Diễm Mai tỏ ra khá hài lòng về anh, nhưng không biểu lộ ra mặt, vẫn dùng giọng điệu lạnh lùng như thường lệ nói: “Đây là con gái tôi, Hứa Tri Nhã. Hồi trước thành tích của nó cũng không tệ, lên cấp ba thì sa sút một chút, hy vọng cậu có thể căn cứ vào tình hình của nó để phụ đạo. Trước mắt cứ thử một tháng, nếu có hiệu quả, tháng Tám có thể tiếp tục.”

Người thanh niên nhìn về phía Hứa Tri Nhã theo lời Vu Diễm Mai. Cô gật đầu chào anh.

Cô gái vóc người không thấp, mặc áo thun đen và chân váy bò ngắn, đôi chân thẳng tắp, thon dài.

Vu Diễm Mai chỉ vào phòng Hứa Tri Nhã, nói: “Phụ đạo ở trong phòng nó, có thể bật điều hòa, nhưng cửa phòng không được đóng.”

Người thanh niên gật đầu, đỡ quai chiếc cặp sách vắt bên vai phải, đi về phía Hứa Tri Nhã.

Anh mở miệng: “Bắt đầu thôi.”

Hứa Tri Nhã dẫn anh vào phòng.

Căn phòng của cô bài trí đơn giản, giường kê sát tường, cuối giường là tủ quần áo âm tường, ngay cạnh giường là bàn học, nhìn một lượt là thấy hết.

Tường trắng, bộ ga giường bốn món màu đen, giá sách kiểu cũ kỹ xếp đầy những cuốn sách đã ố vàng, đều là sách đã có từ lâu.

Bàn học lại càng đơn giản, một chiếc đèn bàn có đồng hồ, một chồng sách giáo khoa cấp ba, một ống đựng bút. Dưới mặt kính bàn học đè vài tấm ảnh cũ, có tấm đã mờ đến mức không nhìn rõ.

Cả căn phòng trông cứng nhắc, lạnh lẽo, thiếu hơi người, chỉ có chậu cây lưỡi hổ bên cửa sổ là khác biệt.

Rèm cửa màu xám đậm được buộc gọn sang hai bên. Ngoài ô cửa kính sạch sẽ, rộng rãi vẫn là màn mưa xối xả, dòng nước uốn lượn chảy xuống mặt kính. Cơn mưa này từ tối qua đến giờ vẫn chưa ngớt.

Tháng Bảy giữa hè, tiết trời oi bức như thiêu như đốt cũng trở nên se lạnh.

Hứa Tri Nhã dọn chiếc ghế đẩu trong góc ra, nhường ghế tựa cho anh.

Anh không cần, lấy từ trong cặp sách ra hai tờ đề thi, là đề thi cuối kỳ môn Toán lớp 11 của một thành phố khác.

Anh đặt đề thi lên bàn, nói: “Muốn xem thử mức độ nắm vững kiến thức của em. Mẹ em chắc cũng nói với em rồi, anh dạy Toán, nhưng nếu các môn khác có vấn đề anh cũng có thể giảng cho em. Còn nữa, nếu tiện thì đưa bài thi cuối kỳ ở trường của em cho anh xem.”

Hứa Tri Nhã ngồi xuống ghế tựa, đẩy cuốn sách giải trí đang xem dở sang một bên, lấy từ ngăn kéo bên trái ra tờ đề thi cuối kỳ lần trước.

Anh cầm lấy đề thi, vừa xem vừa nói: “Quên chưa tự giới thiệu, anh họ Trình, Trình Liệt, ‘liệt’ trong ‘lạnh lẽo’.”

Giọng anh trầm thấp đầy từ tính, lại phảng phất chút lười biếng thờ ơ.

Cái tên hình như có chút quen thuộc, nhưng cô không nghĩ nhiều.

Hứa Tri Nhã khẽ “Ừm” một tiếng, cầm bút lên, bắt đầu làm bài thi anh đưa.

Trình Liệt chú ý đến tên trên bài thi của cô, Hứa Tri Nhã. Vừa nãy lúc Vu Diễm Mai giới thiệu anh không nghe rõ, tưởng là Tri Nghiên, Chi Yến gì đó, hóa ra là Tri Nhã.

Trình Liệt ngồi xuống ghế đẩu, lấy bút từ cặp sách ra, ghi chú lại những câu cô làm sai vào sổ tay.

Cũng giống như những học sinh anh từng dạy, các câu cơ bản không có vấn đề gì lớn, nhưng khi độ khó của câu hỏi tăng lên thì lại không ổn, ví dụ như mấy câu điền vào chỗ trống cuối cùng, hai câu trắc nghiệm cuối, câu hỏi thứ hai và thứ ba của phần tự luận.

Trong lúc Trình Liệt tự mình tổng hợp lại những kiến thức cô cần xem lại, anh thuận miệng hỏi: “Mẹ em nói hồi cấp hai em học rất giỏi, thi vào cấp ba xếp hạng bao nhiêu?”

Hứa Tri Nhã không chút cảm xúc đáp: “Hạng 46 thì phải.”

“Xếp hạng lớp hay hạng trường?”

“Xếp hạng toàn thành phố.”

Không khí có trong nháy mắt đọng lại.

Trình Liệt ngừng bút, theo bản năng ngẩng đầu nhìn cô.

Cô đang cúi đầu viết các bước giải vào giấy nháp một cách ngay ngắn, có trình tự. Mái tóc đen dài óng ả được vén gọn sang một bên, gương mặt trắng nõn trong suốt như ngọc dương chi thượng hạng. Đuôi mắt cô thon dài, con ngươi màu hổ phách trong veo. Có lẽ vì da rất trắng nên nốt ruồi nhỏ màu cà phê nơi khóe mắt rất rõ ràng.

Lúc cô đứng ở cửa nhìn anh ban nãy, anh đã chú ý tới.

Cô gái này xinh đẹp, kiêu ngạo, nhưng lại dường như thờ ơ với tất cả mọi thứ.

Đó là ấn tượng đầu tiên của Trình Liệt về cô.

Trình Liệt nói: “Thành tích trước kia của em quả thật rất tốt. Lên cấp ba là do không quen sao?”

Hứa Tri Nhã không ngờ học thêm còn kèm cả tư vấn tâm lý. Cô ngước mắt lên nhìn anh, cười nhàn nhạt.

Cô đáp: “Chắc là có chút không quen.”

“Ngoài việc học ra còn có chuyện gì khác khiến em phân tâm không?”

“Cái này à… Đọc sách có tính không?”

Trình Liệt: “Đọc sách gì?”

Hứa Tri Nhã: “Mấy cuốn truyện, loại cho trẻ con xem ấy.”

Trình Liệt chú ý đến cuốn sách ban nãy đặt trên bàn học đã bị cô đẩy sang một bên, tên sách là Mã Tiểu Khiêu nghịch ngợm.

Hứa Tri Nhã tưởng anh sẽ nhìn cô bằng ánh mắt lạnh lùng, không ngờ anh nhìn cô vài giây rồi chợt cong khóe miệng. Nụ cười khiến gương mặt trẻ trung tuấn tú của anh nhuốm thêm vài phần bất cần phóng khoáng, cặp mắt đen nhánh ánh lên những cảm xúc không thể nắm bắt.

Anh gật đầu, dừng chủ đề ở đó, hất cằm về phía tờ đề thi, ý bảo cô tiếp tục làm bài.

Hứa Tri Nhã nhướng một bên mày, không nói gì thêm, tiếp tục giải đề trên giấy nháp. Đáp án gần như hiện ra rõ mồn một, cô không tính tiếp nữa, trực tiếp viết con số vào bài thi.



~ 💖 Ủng hộ Ming ở đây 💖 ~

Ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)

Số tài khoản: 0336524731

Chủ tài khoản: LA THI NGOC HOI


Bạn có thể ghi nội dung chuyển khoản là "Ung ho [Tên Truyện]" hoặc lời nhắn dễ thương nào đó. Xin cảm ơn tấm lòng của bạn!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

DẤU HƯƠNG - CHƯƠNG 1

DẤU HƯƠNG - CHƯƠNG 55

DẤU HƯƠNG - CHƯƠNG 2